Bài viết này nhằm mục đích đưa ra những quan điểm dựa trên số liệu của thị trường gọi vốn trong các giai đoạn để từ đó đưa ra nhận định khách quan về tiềm năng tăng trưởng của các danh mục trong thị trường tiền mã hóa thời gian tới.
Quý 1/2022 vừa qua đã thiết lập kỷ lục mới về số vốn huy động được trong ngành công nghiệp tiền mã hoá, ghi nhận ở mức $10B, thể hiện sự kỳ vọng lớn của các quỹ đầu tư mạo hiểm vào thị trường sôi động này.
Việc hàng tỷ đô la được đổ vào các công ty khởi nghiệp blockchain vẫn đang để lại nhiều hoài nghi cho giới đầu tư rằng liệu đây có phải là một “bong bóng tiền mã hoá” hay không, các loại tài sản được giao dịch có tăng đột biến đến một mức giá vô lý và không bền vững hay không?
Để trả lời được câu hỏi này, chúng ta sẽ so sánh thị trường gọi vốn trong các chu kỳ tăng trưởng/sụt giảm thị trường. Ở đây, chúng ta sẽ phân biệt các vòng gọi vốn theo 2 giai đoạn chính: Trước khi trưởng thành (Pre-mature) và Sau khi đã trưởng thành (Mature).
Các vòng gọi vốn | Phân loại |
---|---|
Pre-mature |
|
Mature round |
|
Chu kì thị trường
Chu kì thị trường đề cập đến một xu hướng hoặc một mô hình xuất hiện trong các giai đoạn của thị trường hoặc các môi trường kinh doanh khác nhau. Chu kì của thị trường hình thành bởi 2 mức giá, giá cao nhất và giá thấp nhất, và ở thị trường tiền mã hoá hiện tại được căn cứ bởi giá trị của Bitcoin.
Trong mỗi chu kỳ thị trường, chúng ta thường thấy xuất hiện những xu hướng được hình thành trong một lĩnh vực / ngành cụ thể do có sự đổi mới trong sản phẩm và điều này dẫn đến việc một số nhóm tài sản trở nên vượt trội hơn vì điều kiện kinh doanh của chúng phù hợp với điều kiện phát triển.
Ở đây chúng ta sẽ bàn về 5 nhóm danh mục chính của thị trường gọi vốn, bao gồm: Infrastructure, CeFi, DeFi, Web3, NFT, theo nguồn dữ liệu lấy được từ Dove Metrics.
Sự luân chuyển trong dòng vốn
Cơ sở hạ tầng
Thời điểm 2017 là giai đoạn hình thành bức tranh tổng quan về ứng dụng blockchains, CeFi là lựa chọn an toàn dành cho các quỹ đầu tư mạo hiểm khi trở thành danh mục nhận được nhiều tiền đầu tư nhất, và 5 trên 8 dự án đến từ giai đoạn mở rộng và tăng trưởng (các vòng series). Có thể thấy, các dự án CeFi có mô hình vận hành tương đồng các doanh nghiệp trong truyền thống, và việc đầu tư ở các vòng series thể hiện tâm lý “chắc chắn” hơn đến từ các quỹ khi quyết định xuống tiền cho những mô hình được đảm bảo trong giai đoạn chớm nở của ngành tiền mã hoá.
Những ứng dụng phi tập trung (dApps) mới bắt đầu được hình thành trong giai đoạn này từ sự mở ra của nền tảng hợp đồng thông minh đầu tiên là Ethereum. Do đó, đây là thời điểm các VCs ưu tiên rải vốn cho các dự án làm về cơ sở hạ tầng do các dự án nền tảng khi đó còn sơ khai, hơn nữa, đây sẽ là nơi thu hút thanh khoản đầu tiên và tốt nhất khi các dApps được xây dựng trên đó và mang đến ứng dụng thực sự cho công nghệ blockchain.
Yếu tố tác động khác cho quyết định đặt cược vào những dự án nền tảng phần lớn đến từ việc tắc nghẽn trên Ethereum khi ứng dụng CryptoKitties ra đời. Các quỹ đầu tư khi đó nhận ra sự hứa hẹn của những ứng dụng phi tập trung, và đồng thời cần thêm nữa những nền tảng hợp đồng thông minh để khắc phục những vấn đề còn tồn đọng của Ethereum. Điều này đã thúc đẩy sự tăng trưởng lớn của các token nền tảng trong 2017.
Hệ thống giao thương
Khi những dự án làm về nền tảng hợp đồng thông minh được xây dựng để giải quyết cho vấn đề mở rộng của Ethereum trước đó, nổi bật là Cardano, Solana, Polkadot, v.v, thì điểm đến tiếp theo sẽ là những ứng dụng xây dựng hệ thống giao thương dành cho người dùng. Mặc dù CeFi vẫn là danh mục nhận được nhiều vốn đầu tư nhất trong thời gian 2018 – 2020, tuy nhiên, Infrastructure và DeFi là 2 danh mục có nhiều dự án nhận được đầu tư nhất, đặc biệt với các vòng gọi vốn ươm mầm.
Từ giữa năm 2019, các giải pháp DeFi đã nổi lên như những lựa chọn thay thế cho ngân hàng truyền thống, nơi cho phép người dùng giao dịch, tiết kiệm và kiếm lợi nhuận dựa trên những dịch vụ tài chính giống ngân hàng nhưng phi tập trung. Nhiều giải pháp của DeFi rất mới lạ, có thể mang lại mức lợi nhuận cao hơn thị trường tài chính tập trung.
Sau khi làn sóng DeFi được nổi lên ngay sau tháng 6/2020 với xúc tác chính đến từ việc ra mắt của chương trình khai thác thanh khoản (liquidity farming) của token $COMP do dự án Compound đưa ra vào tháng 5/2020. Sự kiện này cũng khởi xướng cho mùa hè DeFi (DeFi Summer), khi các dự án DeFi khác phân phối token của họ thông qua việc khai thác thanh khoản và tạo ra ngày càng nhiều cơ hội thu lợi nhuận cho người dùng.
Số lượng dự án DeFi ngay sau thời điểm đó đã liên tục tăng lên, thu hút được sự chú ý đến từ các VCs. Đến cuối năm 2020, DeFi đã vượt lên dẫn đầu về số lượng dự án được đầu tư.
Ứng dụng sở hữu nội dung
Khi đã có DeFi mang lại giải pháp giao dịch phi tập trung cho người dùng, NFT nổi lên như một giải pháp dành cho những người sáng tạo nội dung trong các lĩnh vực như âm nhạc, tranh ảnh hay các nội dung nghệ thuật khác. NFT là một loại tài sản độc nhất, được ứng dụng như một bằng sở hữu trí tuệ đối với các tài sản số.
Đến năm 2021, NFT nhận được rất nhiều sự chú ý từ các quỹ đầu tư do các dự án NFT như các bộ sưu tập CryptoPunks, Bored Ape Yacht Club đã thu hút giới truyền thông chính thống và chứng kiến các dự án này đạt mức định giá hàng tỷ đô la.
Tính đến tháng 5/2021, chỉ có 72 dự án trong danh mục NFT gọi vốn thành công, với tổng giá trị gọi vốn ở $777M, so với 180 dự án DeFi ở tổng giá trị $645M. Tuy nhiên, con số này đến cuối năm đã có sự thay đổi rõ rệt, số tiền gọi vốn cho danh mục NFT đối với các vòng hạt giống đạt vị trí thứ 2 – tăng 151 dự án, gọi thêm được $2.3B so với DeFi – tăng 173 dự án, ở mức $1B.
Thấy gì từ dữ liệu quá khứ?
Dòng vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng lý giải cho sự phát triển phù hợp của thị trường, khi mà nền tảng cơ sở được hình thành (Infrastructure), tiếp theo đó đến sự phát triển của các ứng dụng giao thương (DeFi) và các ứng dụng tiêu dùng phục vụ cho yếu tố sở hữu nội dung (NFT)
Cơ sở hạ tầng (Infrastructure) → Hệ thống giao thương (DeFi) → Sở hữu nội dung (NFT)
Trong mỗi giai đoạn của thị trường, đều có những danh mục mới được hình thành và đây luôn là một nhân tố có sự tăng trưởng vượt bậc nhất cả về dòng vốn của quỹ đầu tư lẫn số lượng dự án được ra mắt. Các danh mục được đầu tư sau mỗi chu kỳ của thị trường đều có xu hướng tăng trưởng và trưởng thành hơn, tuy nhiên, yếu tố lợi nhuận đem lại cho nhà đầu tư bị bão hoà theo thời gian.
Hiện tại và dự phóng
Sự hình thành ổn định của Infrastructure khiến nhiều quỹ đầu tư đang dần chuyển hướng đầu tư vốn lớn từ danh mục CeFi sang Infrastructure, thể hiện qua tổng số vốn mà danh mục này kêu gọi được trong các vòng mở rộng. Số lượng các dự án Infrastructure đi vào giai đoạn vận hành và mở rộng doanh thu tăng, mở ra một tiềm năng dài hạn, ổn định hơn cho các quỹ VCs khi rót vốn vào mô hình đã được kiểm chứng.
Bên cạnh đó, việc các nền tảng hợp đồng thông minh bước vào giai đoạn có thể phát triển ổn định, có khả năng mở rộng đến lượng lớn người dùng thì tiềm năng tiếp theo sẽ nằm ở những lớp ứng dụng. Nổi bật trong giai đoạn nửa cuối và đầu năm 2022 đến từ các ứng dụng Web3, cụ thể hơn là các ứng dụng GameFi như Axie Infinity đã tạo ra một đợt sóng lớn thu hút số lượng lớn người dùng tham gia vào thị trường.
Việc này đã khiến cho danh mục Web3 dành được sự chú ý nhiều hơn đến từ các quỹ trong khoảng thời gian 2 quý trở lại đây, chiếm tỉ trọng 31.5% tổng số dự án được đầu tư. Web3 hiện đang dẫn đầu về số lượng cũng như số tiền được rót vào trong phân mục vòng hạt giống, đặc biệt trong số đó, GameFi/Metaverse chiếm tỉ trọng 49.8% tổng số lượng dự án được rót vốn trong danh mục Web3 (source: DoveMetrics).
Qua việc ngày càng có nhiều người sử dụng NFT, những tài sản kỹ thuật số này đang dự báo một kỷ nguyên mới của thế giới kỹ thuật số – kỷ nguyên Metaverse. GameFi / Metaverse có thể là một cánh cửa mang lại một cách tiếp cận dễ dàng hơn cho số đông những người chưa tham gia hoặc chưa hiểu các sản phẩm blockchain. Lớp ứng dụng được kết hợp giữa DeFi và NFT, một bản nâng cấp của các nền tảng User-Generated Content như Facebook, Youtube, v.v, nơi người dùng thật sự sở hữu nội dung mà họ tạo ra và có thể giao thương những nội dung này với nhau mà không bị kiểm soát bởi bất kì các bên kiểm soát nội dung nào khác.
Ngoài ra, Web3 cũng hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích dành cho phía doanh nghiệp bao gồm: giảm thiểu quy trình của doanh nghiệp, giảm thiểu chi phí và khả năng truy cập được dữ liệu thông tin của người dùng,… Điều này đã được chứng minh từ sự thành công của những studio game truyền thống sau khi chuyển mô hình của mình lên trên Web3.
Tổng kết
Cơ sở hạ tầng (Infrastructure) → Hệ thống giao thương (DeFi) → Sở hữu nội dung (NFT) → Các ứng dụng cho phép người dùng sở hữu và giao thương nội dung (Web3)
Cái gọi là “thế giới ảo siêu thực” hay metaverse được hình thành bởi một tập hợp bao gồm vô số dữ liệu của người dùng, mà người dùng thì ai cũng muốn bảo vệ dữ liệu riêng tư của họ và không muốn bị tập trung hay sở hữu bởi các doanh nghiệp, cá thể thứ ba. Vậy nên, Web3 được coi là cánh cổng mở ra cho việc hiện thực hoá của metaverse qua hệ thống phi tập trung.
Trong giai đoạn “thanh lọc” này của thị trường, giống như cha đẻ của Web2 cho rằng Web3 thật sự nổi lên sau khi bong bóng tiền mã hoá vỡ, với sự hậu thuẫn từ các VCs, các dự án chất lượng trong ngách web3, đặc biệt là những dự án GameFi/Metaverse rất tiềm năng để có được sự bùng nổ tiếp tục trong tương lai. Ngoài ra, còn rất nhiều những dự án Web3 khác làm về âm nhạc, mạng xã hội,… đều có tiềm năng tương tự mà chúng ta nên đón chờ.