Toàn cảnh về ví Web3

Ví luôn là cửa ngõ giúp chúng ta kết nối với thế giới tài chính, cũng như thẻ căn cước trong truyền thống vậy. Ở bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về ví tiền điện tử Web3, khác biệt gì so với ApplePay hay PayPal mọi người đang sử dụng. Về bản chất, ví Web3 cũng phục vụ mục đích lưu trữ và giao dịch như ví điện tử trong Web2. Tuy vậy, nó có những cải tiến nhất định trong mô hình hoạt động khi mang lại quyền tự do và bảo mật hơn cho người dùng.

Tổng quan

Thị trường thanh toán điện tử dự kiến sẽ đạt 4,8 tỷ vào năm 2025. Các doanh nghiệp đang nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng doanh thu đáng kể, đặc biệt là khi rất nhiều ứng dụng và dịch vụ tài chính được tích hợp vào các sản phẩm ví.

Theo Messari, số tiền đầu tư đổ vào danh mục ví Web3 tính đến thời điểm hiện tại đã lên đến con số $3,3 tỷ đô. Điển hình, công ty ví web3 hàng đầu là ConsenSys – Metamask đã gọi vốn thành công $450M, nâng định giá công ty lên $7 tỷ đô. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều hệ sinh thái blockchain mới được tạo ra dẫn đến việc gia tăng số lượng địa chỉ ví Web3, các nền tảng ví nhanh chóng được mở rộng vì không ai muốn bỏ qua “miếng bánh” này. Đồng thời, sự phát triển của các hệ sinh thái dẫn đến xu hướng chủ đạo của các dự án làm ví Web3 hiện nay là triển khai ví đa chuỗi (Hình 1).

Hình 1. Tổng quan ví Web3

Mô hình vận hành

  • Ví blockchain có thể được xem như một giao diện để người dùng tương tác với blockchain và thực hiện các giao dịch nhận/gửi, còn địa chỉ ví sẽ là nơi lưu trữ tài sản hoặc thực hiện các giao dịch.
  • Ví blockchain được chia làm hai loại: custodial và non-custodial. Ngoài ra chúng ta còn có thể phân loại theo sự kết nối của ví: cold wallet (kết nối ngoại tuyến) và hot wallet (kết nối trực tuyến).
  • Mỗi ví sẽ bao gồm khóa công khai (Public key) & khóa bí mật (Private key): Khi người dùng tạo một “tài khoản” mới, một thuật toán mã hóa sẽ tạo ra private key; Từ private key, tạo ra public key; Từ public key, tạo ra địa chỉ ví .

Lưu ý là con đường này chỉ đi theo một chiều duy nhất, không có hướng ngược lại (tức không ai có thể biết private key là gì nếu chỉ biết địa chỉ ví).

  • Private key hoạt động tương tự như chiếc chìa khóa độc nhất để mở két sắt vậy, vì để thực hiện bất kì một giao dịch nào trên một tài khoản cũng đều cần đến chữ kí của private key.

Hình 2. Cách ví Bitcoin hoạt động (Nguồn: Blocktrade)

  • Ví custodial hay non-custodial chỉ khác nhau ở việc ai là người quản lý private key: đúng như tên gọi, ví phi lưu ký (non-custodial) yêu cầu người dùng phải tự giữ và quản lý private key, còn đối với ví lưu ký (custodial) thì private key sẽ được lưu trữ bởi một bên thứ ba.

Phương thức lưu trữ khoá

Các phương thức thường được sử dụng để lưu trữ khóa bí mật:

  • Local key storage: lưu ngay trên thiết bị và có thể được truy cập từ phần mềm trỏ đến một địa điểm nhất định trong một CSDL. Mặc dù tiện lợi và nhanh chóng nhưng cách làm này không an toàn và dễ bị tấn công.
  • Lưu trữ bằng password (password protected key): cách làm này tương tự như bên trên, nhưng sẽ có thêm một lớp bảo mật là password ở giữa – chỉ khi nào người dùng nhập đúng password thì mới truy cập được vào private key. Tuy nhiên, hackers vẫn có thể lấy trộm được password thông qua các phần mềm gián điệp theo dõi keystroke (phím gõ) hoặc thông qua việc brute force (một quy trình thử-và-sai trên máy tính để tìm ra kết quả cuối cùng).
  • Password driven key: Password trong trường hợp này sẽ được sử dụng như một công cụ điều khiển trực tiếp từ cặp khóa công khai – bí mật. Tuy nhiên, hackers vẫn có thể tấn công vào phương thức này bằng cách sử dụng các password ngẫu nhiên để tìm ra các cặp khóa công khai – bí mật này (ví dụ như từ password “iloveyou” sẽ tìm được một cặp khóa public-private key tương ứng). Do đó, nếu người dùng đặt password quá yếu, hackers sẽ có thể dễ dàng truy được ra cặp khóa bí mật – công khai đến địa chỉ ví của họ.
  • Lưu trữ trên ví cứng: cách lưu trữ này hiện nay được xem là an toàn nhất, nhưng đổi lại, chúng cũng kém tiện dụng hơn những cách lưu trữ nêu trên.

Mô hình hoạt động

Mô hình hoạt động của các ví điện tử trong Web2 có sự tham gia của 3 bên là: Người dùng, Ngân hàng, Bên ứng dụng (dịch vụ). Người dùng lúc này cần sự tham gia của các bên thứ 3 như ngân hàng để lưu trữ và xác nhận số dư tài khoản, và bên ứng dụng để thực hiện thao tác thanh toán, kết nối giữa ngân hàng và người gửi/nhận.

Ví tiền mã hóa lưu ký là một nơi “giữ dùm” chữ ký cho bạn. Điều này có nghĩa là bên thứ ba sẽ thay mặt bạn giữ và quản lý các khóa riêng tư của bạn. Nói cách khác, bạn sẽ không có toàn quyền kiểm soát tiền của mình – cũng như khả năng ký kết các giao dịch, điều này có sự tương đồng với ví điện tử tại Web2.

Ngược lại, với mô hình ví không lưu ký của Web3, người dùng không cần phải lo lắng về các bên trung gian như ngân hàng và có toàn quyền sử dụng và quản lý tài sản của mình trên ví. Do loại bỏ trung gian, người dùng không cần phải đi qua những bước phức tạp của quy trình xác thực và chia sẻ thông tin cá nhân (Hình 3).

Hình 3. Mô hình ví điện tử

Tác vụ chính của ví

Mô hình ví lưu ký Web3 có đặc tính tương đồng với ví điện tử Web2, do đó phù hợp với người dùng ít kinh nghiệm cần có sự hỗ trợ của bên thứ 3. Ví lưu ký như Binance Custody được quản lý, tuân thủ và cung cấp bảo hiểm tiêu chuẩn cho các tài khoản Binance của công ty. Do đó, cung cấp tính an toàn pháp lý hơn dành cho người dùng, đánh đổi bằng thông tin của người dùng phải cung cấp cho bên dịch vụ.

Ngược lại, bảo vệ quyền riêng tư là một trong những tính năng nổi bật nhất của ví không lưu ký trên Web3 (Hình 4). Dữ liệu cá nhân người dùng được an toàn và bảo mật khi không cần phải cung cấp cho bất kì bên thứ 3 nào. Do đó, ngăn chặn được những trường hợp rỏ rì thông tin của các tác nhân có liên quan.

Hình 4. Tác vụ chính của ví

Xét trên phương diện bảo mật, ví cứng có sự bảo mật cao nhất, phù hợp cho người dùng để đầu tư và lưu trữ dài hạn. Ví cứng không được kết nối trực tiếp qua internet, do đó, đảm bảo mức độ bảo mật cao cho những khoản tiền lớn. Còn ví nóng có tính bảo mật thấp hơn và dễ bị tấn công hơn do được lưu trữ và tương tác thường xuyên qua internet. Gần đây nhất chúng ta chứng kiến vụ rò rỉ khoá cá nhân của người dùng đến từ nền tảng ví Slope, với tổng thiệt hại lên đến 6 triệu đô cho người dùng.

Để giải quyết những vấn đề bảo mật nêu trên, Vitalik đã nghĩ đến một giải pháp mang tên social recovery wallet. Chúng kết hợp sự tiện dụng, dễ dùng của ví single signature (đơn chữ kí) và tính bảo mật của ví multi-signature (đa chữ kí) bằng cách bổ sung thêm một nhóm “người bảo hộ” (guardians): trong trường hợp mọi thứ đều vận hành ổn định, người dùng vẫn sử dụng social recovery wallet như ví single signature, nhưng khi ví bị hack, chủ sở hữu ví có thể yêu cầu nhóm guardians hợp lại để thay đổi chữ kí đang được dùng để phê duyệt giao dịch sang một chữ kí mới. Bên cạnh đó, chủ sở hữu ví cũng có thể thêm hoặc thay đổi các thành viên trong nhóm guardians (nhưng họ phải chờ 1-3 ngày để thực hiện tác vụ này). Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng hiện tại trên Ethereum không cho phép việc trực tiếp triển khai tính năng “bảo hộ” của social recovery wallet mà phải cần tới một bên thứ ba – một lớp relayer chịu trách nhiệm gửi lại những messages đã được phê duyệt bởi người dùng thành các giao dịch hợp lệ trên blockchain, từ đó làm tăng thêm phí giao dịch và giảm đi tính phi tập trung cần có của một giao thức crypto.

Về độ phủ của ứng dụng thanh toán, ví Web2 có thể thanh toán cho hầu hết mọi thứ, đặc biệt ở các quốc gia có hạ tầng tài chính hoàn chỉnh. Trong khi đó, Web3 có ít tiện ích hơn cho các tài sản trong thế giới thực, các khoản thanh toán chủ yếu được thực hiện cho các tài sản trên chuỗi. Tuy nhiên, đã có những tín hiệu tích cực hơn khi ngày càng có nhiều nhãn hiệu và sản phẩm được chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử, mở ra cơ hội phát triển cho ví Web3.

Mô hình lợi nhuận

Hình 5. Mô hình lợi nhuận của ví Web3

Một số ví dụ cho các mô hình doanh thu của ví web3:

  • Phí giao dịch:
    • Metamasks thu phí giao dịch từ 0.3% – 0.875%.
    • Phantom thu phí 0.85% cho tất cả các giao dịch.
  • Phí doanh nghiệp để tích hợp: MetaMask cung cấp MetaMask Institutions (MMI), một “phần mở rộng cho tổ chức” của ví MetaMask được thiết kế riêng cho các quỹ đầu cơ, quỹ tiền điện tử, các tổ chức tài chính, các nhà tạo lập thị trường, v.v.
  • Phiên bản Freemium: Trust Wallet miễn phí cho người dùng để sử dụng. Tất cả các khoản phí đều được trả cho người khai thác hoặc người xác nhận. Ngoài ra, Trust Wallet cũng ra mắt token $TWT để kiểm soát nền kinh tế của riêng họ.

Nhìn chung, các ví Web3 đi theo hướng phát triển nhiều tính năng khác nhau, nhằm mục đích lôi kéo và giữ chân người dùng. Trong khi đó, nguồn thu chính và bền vững hơn cả vẫn là từ phí giao dịch. Như vậy, ta có thể xem mô hình ví Web3 là một biến thể của DEX, tập trung nhiều hơn về tiện ích thanh toán và giao dịch so với DEX.

Thông số nổi bật

  • Trong Web2, số lượng ví điện tử lên đến 2,8 tỷ địa chỉ ví. Trong khi đó, Web3 mới đạt vỏn vẹn khoảng 300+ triệu địa chỉ ví. Rõ ràng, Web3 còn có nhiều tiềm năng mở rộng hơn nữa để đạt được con số người dùng đã sử dụng ví điện tử trước đó.
  • Minh chứng khác cho tiềm năng mở rộng của ví Web3 là tốc độ tăng trưởng ấn tượng của các ứng dụng ví Web3 hiện tại: Metamask tăng 1800% và blockchain.com tăng 72%. Góp phần lớn trong sự tăng trưởng của số lượng địa chỉ ví Web3 là do sự bùng nổ của GameFi/NFT trong năm 2021.

Độ phổ biến của ví Web2/Web3

  • Đông Nam Á và Trung Đông sẽ tiếp tục là khu vực có nhiều người tham gia sử dụng ví Web3 nhất do những hạn chế của họ về ngân hàng, thẻ tín dụng. Nói cách khác, vì mức độ phổ cập các công cụ tài chính truyền thống còn thấp, cơ hội cho ví web3 phát triển tại các khu vực này cao hơn những nơi có hệ thống tài chính đã được thiết lập hoàn chỉnh. Một ví dụ cụ thể là sự nổi lên của trò chơi Axie Infinity đã khiến cho một lượng mới người dùng tham gia thị trường tiền mã hoá. Hầu hết những người tham gia là ở những nước đang phát triển, và Axie mở ra cơ hội tài chính mới dành cho người dùng ở các khu vực này.
  • Tăng trưởng chậm ở Tây Âu và Bắc Mỹ và Trung Quốc, do đây là những quốc gia không thân thiện với tiền điện tử. Những khu vực này có cơ sở hệ tầng tài chính hoàn chỉnh, cung cấp đa dạng các dịch vụ tài chính trực tuyến cho người dân. Đặc biệt, do hiện tại tiền mã hoá vẫn đang có những bất cập về vấn đề chuyển tiền bất hợp pháp và điều đó làm mất ổn định hệ thống tài chính của những quốc gia này.

Chờ đón điều gì từ ví Web3?

  • Khả năng tích hợp: MetaMask hồi đầu năm nay đã tung ra Snaps, một hệ thống cho phép các lập trình viên mở rộng và tùy chỉnh các tính năng của ví MetaMask trong một môi trường coding riêng biệt. Người dùng có thể thoải mái thử nghiệm các tính năng mới này và đội ngũ của MetaMask sẽ xem xét tích hợp tính năng được nhiều người ưa thích nhất vào sản phẩm chính thức của họ.

  • Đa chuỗi: Đây là một xu hướng tất yếu mà gần như các loại ví nào cũng đang hướng đến. Việc tiến tới đa chuỗi không chỉ giúp người dùng giao dịch thuận tiện giữa các chuỗi khác nhau trên một giao diện ví duy nhất mà còn giúp họ quản lý tài sản tốt hơn khi chỉ phải lưu trữ một private key/seed phrase thay vì nhiều chuỗi private keys phức tạp cho từng ví trên mỗi chuỗi.
  • Tối giản UX: Nhiều tính năng mới được tung ra giúp người dùng trực tiếp mua/bán/niêm yết coin hoặc NFTs ngay trong ví, và thậm chí là hợp tác với các sàn CEX để rút ngắn thời gian chuyển token qua lại giữa các ví phi lưu ký và các sàn CEX.
    • Native swap

    • Direct listing

  • Social recovery wallet: Mang lại nhiều tiện lợi hơn cho người dùng để phục hồi lại địa chỉ ví và tài sản trong trường hợp bị hack hoặc quên mất passphrases hoặc private key. Những chữ số loằng ngoằng của private key hay passphrases sẽ không còn là trở ngại lớn đối với người dùng.
  • Mô hình doanh thu mới: Những mô hình tạo nguồn doanh thu của ví Web3 được “du nhập” từ Web2 sang, chưa có nhiều sự cải tiến trong việc thêm nguồn thu. Nguồn thu đến từ phí giao dịch vẫn góp phần chủ chốt trong việc mang lại lợi nhuận cho cả ví điện tử trong Web2 và Web3. Trong tương lai, các ví Web3 sẽ cần phải giới thiệu nhiều tính năng mới hơn, không chỉ là những tính năng liên quan tới tác vụ giao dịch như swap, stake hay yield farm mà còn là những sản phẩm cung cấp thông tin, dữ liệu để giúp người dùng đưa ra quyết định tốt hơn trong quá trình đầu tư của mình. Các dịch vụ bổ sung như bảo hiểm, mua sắm, dịch vụ đầu tư, v.v., trong Web2 có thể được mở rộng sang các ví Web3. Các dịch vụ này mặc dù không thể thay thế nguồn thu chính mang lại từ phí giao dịch nhưng sẽ làm đa dạng hơn sản phẩm để thu hút và giữ chân người dùng.

Sự cộng hưởng trong NFT Âm nhạc

Hãy thẳng thắn ở đây. Web3, Web4,… Webn 🧐 Tôi không nghĩ rằng bạn có quan tâm. Chúng tôi ở đây vì Âm nhạc, và đó là lý do duy nhất. Tại sao thay đổi và những thay đổi ảnh hưởng đến chúng tôi như thế nào với tư cách là một người hâm mộ, một nghệ sĩ là một câu chuyện hoàn toàn khác và đôi khi nó thậm chí không thực sự quan trọng đối ở phía người nghe nhạc.

Nếu bạn có tò mò, let’s dive in!

Mở đầu

(i) Tranh ảnh + NFT, Game + NFT và bây giờ là Âm nhạc + NFT

Lần cuối cùng bạn mở nhạc từ băng cassette hoặc DVD là khi nào?

Không nhớ được? Đó là vẻ đẹp khi công nghệ chạm âm nhạc. Sự kết hợp của công nghệ và âm nhạc đi kèm lời hứa mang đến cho các nghệ sĩ nhiều cơ hội phát triển hơn và mang đến cho người dùng nhiều trải nghiệm tốt hơn với âm nhạc, không chỉ nghe mà còn cả sự tương tác.

Sự nổi lên của NFT vào năm 2021 đã chứng kiến sự ra đời của một mô hình mới trong ngành công nghiệp âm nhạc, thay đổi vị trí quyền lực của những bên vốn dĩ giữ cho chuỗi này hoạt động trong Web2 là Nhà xuất bản và Hãng thu âm đến tay các nghệ sĩ và người hâm mộ.

(ii) Nghệ sĩ không được trả xứng đáng cho công sức của họ

Trong hệ thống hiện tại, nghệ sĩ chỉ nhận được khoảng 12% phí bản quyền từ sản phẩm âm nhạc của họ, còn phần lớn lợi nhuận sẽ thuộc về túi các hãng thu âm hoặc nền tảng phát nhạc trực tuyến lớn như Spotify, Apple Music,… Trong khi đó, nghệ sĩ ở Web3 có thể thu về 100% lợi nhuận từ việc mở bán NFT của mình. Thêm vào đó, nghệ sĩ còn nhận được một khoảng phí bản quyền mỗi khi NFT được giao dịch bởi người dùng, phí này do nghệ sĩ tự quyết định.

Các vấn đề nằm đó. Đáng để thay đổi nếu Web3 có thể.

Các vấn đề hiện tại của âm nhạc trong Web2

(i) Quyền lực chưa bao giờ nằm trong tay nghệ sĩ hay người hâm mộ

Trước kỷ nguyên Internet, Hãng thu âm là “người thứ ba” trong mối quan hệ giữa người hâm mộ và nghệ sĩ

Ở những năm 60 – 70, hầu hết các nhạc sĩ cần được các hãng thu âm ký hợp đồng cho bản quyền bài nhạc. Do đó, các hãng thu âm độc quyền toàn bộ ngành vì họ có tiền, sở hữu các studio sản xuất và cung cấp các kênh phân phối. Đó là những thứ xa xỉ đối với nghệ sĩ thời bất giờ. Chính vì vậy, tiền bản quyền cho các bản thu âm của nghệ sĩ chính là cái giá để đổi lấy các dịch vụ này.

Độc quyền luôn đi kèm với bàn tay của quyền lực và sự thao túng. Tại thời điểm này, nghệ sĩ và người hâm mộ đều phụ thuộc vào hãng thu âm.

⚠️ Nghệ sĩ → Hãng thu âm → Người hâm mộ

Sau khi Internet ra đời, các Nhà xuất bản thay thế Hãng thu âm, trở thành người thứ ba

Kể từ những năm 2000, sự phổ biến của máy tính để bàn và MP3 đã mở ra cánh cửa mới cho các nghệ sĩ khi giờ đây họ có thể sáng tác tại nhà và phân phối trên Internet. Dưới sự nổi lên của ngành công nghiệp phát trực tuyến, nhiều nền tảng dịch vụ phân phối như Spotify, YouTube, v.v., đã trở thành lựa chọn thay thế cho các hãng thu âm. Kể từ đó, các hãng thu âm đã mất dần đi đặc quyền sản xuất và phân phối âm nhạc.

Một lần nữa, quyền lực và sự thao túng không biến mất. Nó chỉ chuyển đổi từ tay kẻ này này sang tay kẻ khác. Giờ đây, quyền kiểm soát chính giữa nghệ sĩ và người hâm mộ là các nền tảng phát trực tuyến nhạc.

⚠️ Nghệ sĩ → Nhà xuất bản → Người hâm mộ

(ii) Nghệ sĩ mất quyền sở hữu, yêu cầu đầu vào cao hơn nhưng thu nhập thấp hơn

Gây quỹ: Các Hãng thu âm thống trị thị trường gây quỹ, nghệ sĩ không có sự lựa chọn khác.

Mặc dù, dưới sự phát triển của công nghệ, nghệ sĩ giờ đây đã có thể tự chủ trong việc sản xuất âm nhạc nhưng trong năm 2021 các Hãng thu âm vẫn chiếm phần tới 70.1% thị phần của toàn ngành âm nhạc so với những nghệ sĩ tự thân. Hãng thu âm vẫn là tác nhân chủ chốt có khả năng cung cấp tài nguyên cho nghệ sĩ để sản xuất bài nhạc.

Quyền sở hữu: Bản quyền chủ yếu thuộc về các Hãng thu âm và Nền tảng phát trực tuyến.

Trước khi kỷ nguyên Internet mở ra, các Hãng thu âm độc quyển chuỗi cung ứng cho ngành âm nhạc, chi phối việc sản xuất và phân phối sản phẩm âm nhạc trên thị trường. Đến khi Internet trở nên phổ biến hơn, sự độc quyền của Hãng thu âm trong vai trò phân phối được thay thế bằng các nền tảng phát nhạc trực tuyến. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, Hãng thu âm vẫn độc chiếm vai trò chủ chốt trong ở khâu sản xuất.

Vì bị phụ thuộc trong cả đầu sản xuất và phân phối, nghệ sĩ cần phải chia sẻ bản quyền nhạc cho các bên Hãng thu âm hoặc các nền tảng phát nhạc trực tuyến.

Thu nhập: thu nhập của nghệ sĩ bị chi phối bởi các Hãng thu âm và Nền tảng phát nhạc trực tuyến Web2.

Nghệ sĩ khi bị chi phối bản quyền nặng nề giữa Hãng thu âm và các nền tảng phát nhạc trực tuyến, họ chỉ nhận được khoảng 12% tổng doanh thu từ sản phẩm âm nhạc của họ, phần lớn doanh thu sẽ thuộc về tay các hãng thu âm hoặc nền tảng phát nhạc trực tuyến lớn như Spotify, Apple Music,…

Trong một ví dụ, 33% tổng số nghệ sĩ Spotify mới được phát hiện xảy ra trên danh sách phát được Spotify cá nhân hóa cho người dùng. “Được cá nhân hóa cho người dùng” là một từ hoa mỹ, nhưng nó thực sự là danh sách phát của Spotify. Giống như các nền tảng truyền thông xã hội khác, họ điều hướng những gì chúng ta lắng nghe và những gì họ muốn chúng ta lắng nghe. Việc kiểm soát từ các nền tảng phát trực tuyến đã trở thành một rào cản đáng kể đối với các nghệ sĩ khi quá trình xem xét và lựa chọn trở nên khó khăn hơn trên các nền tảng đó. Bởi vì, như bạn biết, đó là con gà đẻ trứng vàng của họ để tối đa hóa lợi nhuận.

Web3 và lời đề nghị cải thiện để thay thế âm nhạc trong Web2

(i) Quyền lực trở lại trong tay của các nghệ sĩ và người hâm mộ

Web3 cắt bỏ người thứ ba, mối quan hệ Người hâm mộ và Nghệ sĩ được liên kết

Lần đầu tiên chúng ta chứng kiến mối quan hệ giữa nghệ sĩ và fan đã có sự thay đổi thành mối quan hệ hai chiều. Giờ đây, người hâm mộ có thể trực tiếp đóng góp trực tiếp vào sự thành công của nghệ sĩ thông qua NFT qua những hoạt động như hỗ trợ vốn cho nghệ sĩ qua NFT, biểu quyết về sự phát triển của chiến dịch,….

💡 Nghệ sĩ ↔ Người hâm mộ

Mô hình tương tác trực tiếp đến người hâm mộ đã hoạt động hiệu quả trong truyền thống trước đây

  • Neil Young, một người đã quay lưng lại với Spotify và tự xây dựng cho mình nền tảng phát trực tuyến, đã có thể kiếm cho mình 25,000 hội viên với tổng cộng $600,000 thu lại được từ phí hội viên.
  • Một nghệ sĩ khác là Melissa Etheridge, người đã tự cho ra mắt nền tảng trả phí của mình và kiếm được hơn $500,000 mỗi năm.

(ii) Nghệ sĩ lấy lại quyền sở hữu, tự do tham gia và gia tăng thêm thu nhập

Gây quỹ: Không cần hãng thu âm, nghệ sĩ đã có người hâm mộ

Với sự đổi mới của công nghệ Web3, mô hình ngành âm nhạc đã có sự chuyển quyền lực từ các bên trung gian sang nhạc sĩ và người hâm mộ. Music NFT trở thành công cụ giúp các nghệ sĩ có thể gọi vốn, bán và cung cấp giá trị trực tiếp đến tay người hâm mộ mà không cần qua bắt kì trung gian hay Hãng thu âm nào. Ngược lại, chính bản thân người hâm mộ có thể trở thành một “nhà tài trợ tự thân” cho nghệ sĩ thông qua việc đầu tư vào các sản phẩm âm nhạc của nghệ sĩ đó và nhận lại một phần lợi nhuận thu về.

Quyền sở hữu: Không còn người thứ ba, bản quyền nằm trong tay các nghệ sĩ (và người hâm mộ nếu muốn)

Nghệ sĩ giờ có thể gọi vốn qua người hâm mộ mà không cần tới Hãng thu âm, nghệ sĩ cũng có thể tự phân phối bài nhạc của mình trên các nền tảng phát trực tuyến Web3 mà không cần tới Nhà xuất bản ở Web2. Và đoán xem? Khi không còn phụ thuộc vào bất kỳ bên trung gian nào để đưa tác phẩm của mình đến khán giả, nghệ sĩ có toàn quyền sở hữu và quyết định đối với bản quyền của sản phẩm.

Thu nhập: Ít chi phối đồng nghĩa với việc thu nhập cao hơn

Việc Web3 cho phép người hâm mộ đầu tư vào NFT của nghệ sĩ mở ra cơ hội cho việc tăng nguồn thu cho nghệ sĩ. Gần đây, Alan Walker kết hợp cùng nền tảng gọi vốn Web3 cho nghệ sĩ là Corite cho ra mắt bộ sưu tập NFT Alan Walker Origins. Trong đó, người dùng cần phải sở hữu 25 NFT tương ứng với các đoạn nhạc để ghép thành 1 bài nhạc hoàn hảo. Chiến dịch Alan Walker Origins đã huy động được tổng cộng $355,380 cho nghệ sĩ. Ngoài việc giúp cho nghệ sĩ có thể kêu gọi được tiền tài trợ từ cộng đồng người hâm mộ, nghệ sĩ còn có thể nhận được một phần phí từ mỗi giao dịch NFT.

Chỉ trong năm 2021, NFT đã giúp cho các nghệ sĩ tên tuổi thu về hàng triệu đô la sau các đợt mở bán. Trong đó, 3LAU thu về $11.7 triệu đô la cho bộ sưu tập Ultraviolet, Steve Aoki thu về $5.8 triệu đô từ bộ WarNymph Collection, Vol. 1 và $4.25 triệu đô cho bộ Dream Catcher.

Mô hình mới của Âm nhạc trong Web3

Hãng thu âm sẽ tiếp tục suy giảm hơn trong vị thế của mình với nghệ sĩ. Với những công cụ và nền tảng như Corite hay Audius, NFT cho phép các hoạt động tài trợ, gây quỹ và phương pháp tiếp cận thị trường một cách trực tiếp và độc lập hơn thông qua việc mở bán Music NFT. Mở ra cơ hội cho nghệ sĩ có thể gọi vốn trực tiếp từ các tập người hâm mộ của mình.

Về phía Nhà xuất bản sẽ bị giảm một số sự tác động lên sự thành công của bài nhạc bằng cách trao quyền cho người hâm mộ trực tiếp trở thành cá nhân/ cộng đồng thực hiện tác vụ thay thế Nhà xuất bản như marketing, phân phối bài nhạc, hay thậm chí tham gia cùng nghệ sĩ trong quá trình tổ chức những kế hoạch cho sự phát triển của bài nhạc. Những công cụ mới và hấp dẫn này tạo cơ hội cho các nghệ sĩ để làm tăng giá trị sản phẩm của họ mà đồng thời duy trì quyền sở hữu với sản phẩm âm nhạc của mình.

Thách thức đối với Âm nhạc trong Web3

(i) Haiz, công nghệ mới và tính độc lập cao có thể không dành cho tất cả mọi người

Xét trên khía cạnh nghệ sĩ là một nghề nghiệp, cách tiếp cận ‘trực tiếp với người hâm mộ’ không phải là thứ phù hợp với mọi nghệ sĩ. Daniel Allan là một ví dụ cho việc quyết định ký bản quyền với nhãn hàng tuy rằng sẽ không mang lại cho họ độc lập trong quyền kiểm soát sáng tạo, quyền sở hữu và có khả năng là thu nhập cao hơn, nhưng không thể phủ nhận rằng con đường này mang lại khối lượng công việc lớn hơn nhiều.

Mặc dù Hãng thu âm có thể không còn là người gác cổng duy nhất trong việc phân phối và quảng bá, nhưng họ có kinh nghiệm, nguồn lực và mối quan hệ để đạt được thành công quy mô lớn trong ngành công nghiệp âm nhạc.

Thêm vào đó, đa phần những nghệ sĩ kêu gọi thành công số tiền lớn cho tác phẩm của mình trong Web3 đều là những nghệ sĩ tên tuổi trong truyền thống. Trong khi, đối tượng được nhắm đến cho Web3 lại là những nghệ sĩ mới, chưa có tên tuổi nên việc có thể huy động được vốn, tạo cộng đồng người hâm mộ trong Web3 lại rất khó khăn. Như đã nói ở phần trên, 1/3 nghệ sĩ mới được biết đến qua gợi ý của các nền tảng phát nhạc trực tuyến, do đó, họ có thể thử vận may tại Web2 thay vì ở những nền tảng phát nhạc tuyến trong Web3 do số lượng người dùng còn hạn hẹp.

(ii) Thu nhập chính cho các sản phẩm của nghệ sĩ vẫn đến từ các nền tảng phát trực tuyến trên Web2

Mặc dù, nguồn thu của nghệ sĩ đã được cải thiện hơn thông qua việc mở bán NFT, nhưng nguồn thu chính từ sản phẩm âm nhạc của họ vẫn chủ yếu đến từ các nền tảng lớn như Spotify, Apple Music,… Sau khi tham gia đóng góp vốn cho nghệ sĩ từ những nền tảng trên Web3 như Corite hay Audius, người sở hữu NFT sẽ được chia sẻ doanh thu với nghệ sĩ qua số tiền kiếm được khi bài nhạc phát sóng trên các nền tảng phát trực tuyến. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, điều này dẫn đến việc những người hâm mộ góp vốn ủng hộ nghệ sĩ vẫn chưa đảm bảo được lợi ích mang lại khi các nền tảng Web2 vẫn đang chi phối nguồn cung ứng.

(iii) NFT vẫn là một công nghệ mới, không thể tránh khỏi các vụ hack và tấn công

Vụ việc hack xảy ra với nền tảng Audius gây ra tổng thiệt hại lên đến $6M đối với quỹ cộng đồng của dự án Audius. Hacker đã đăng tải 4 đề xuất quản trị đến dự án Audius, và một trong số đó đã được thông qua. Ví dụ, trong những trường hợp vụ hack lớn hơn dẫn đễn những đề xuất quản trị độc hại đến nền tảng, người dùng sẽ chịu những tổn thất vô cùng nặng nề. Và đây là điều thường thấy ở trong các dự án trên thị trường tiền mã hoá.

Sự việc hacker trộm và bán tháo token là minh chứng cho sự rủi ro tiềm tàng của công nghệ này đối với lợi ích của những người nghệ sĩ và cả những người hâm mộ có liên quan. Trong trường hợp này, nghệ sĩ sẽ cần nắm giữ và staking token để mở khoá những tính năng dành cho nghệ sĩ.

(iv) Thành thật, Người hâm mộ đến vì âm nhạc và họ không có vấn đề gì trong Web2

  • Đa phần người dùng hiện tại đối với sản phẩm NFT Âm nhạc đều là crypto-native.
  • Những sản phẩm NFT trong mắt người dùng có định giá cao, kèm theo những chi phí khác như gas-fee.
  • Thiếu lợi ích mang lại cho fan và thiếu sự hướng dẫn là những trở ngại lớn nhất của người dùng.
  • Các nền tảng phát trực tuyến như Spotify đang làm rất tốt trong việc tối ưu hoá trải nghiệm trải nghiệm cho cả nghệ sĩ và người dùng.

Tổng quan NFT âm nhạc

💡 Web3 đang dần thay thế hầu hết các tác vụ trong Web2 Music, bao gồm cả 2 khâu sản xuất (Công cụ hỗ trợ, kiến thức) và phân phối (nền tảng phát trực tuyến, cộng đồng và các tác vụ hậu cần khác cần có của nghệ sĩ).

Góc nhìn từ tác giả

(i) Thị trường nhỏ, tăng trưởng tốt, kết quả thử nghiệm tích cực với mô hình tương tự cho Web3 game

Tính đến thời điểm hiện tại, Music NFT có tổng thị phần ở ngưỡng $1.2B, bằng xấp xỉ 1/24 lần so với ngành công nghiệp âm nhạc kĩ thuật số, với tổng giá trị vốn hoá lên đến $29.4B. Trên Spotify có đến 11 triệu nghệ sĩ và Apple Music với hơn 5 triệu người. Số lượng nghệ sĩ tham gia vào Web3/NFT nói chung đến nay chỉ vọn vẻn dưới 30.000 người.

Khi càng ngày càng nhiều nghệ sĩ nhận ra rằng bản thân họ cũng có thể trở thành người kinh doanh cho chính sản phẩm họ tạo ra, hình thức trải nghiệm trực tiếp từ nghệ sĩ tới người hâm mộ của họ lại nổi lên hơn bao giờ hết. Theo báo cáo tháng 3/2022 của ConsenSys, số lượng địa chỉ ví Metamask bùng nổ lên trong thời gian vừa qua, chạm mốc 30 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, có mức tăng trưởng 600% chỉ trong vòng 14 tháng.

Sự chuyển đổi mô hình của Music NFT có sự tương đồng với mô hình của GameFi. Số người biết đến và sử dụng web3 ngày càng đông hơn sau sự thành công của GameFi và NFT, sẽ có nhiều mô hình cải tiến tương tự được áp dụng cho những mô hình nghệ thuật nói chung trong truyền thống. Nếu Music NFT có thể giải quyết tốt những vấn đề và thử thách nêu trên thì đây sẽ lại là một thị trường đầy sức hút khác dành cho không chỉ nghệ sĩ mà còn là các doanh nghiệp web3 mới, và những người hâm mộ.

(ii) Web3 tuyệt đấy, nhưng chúng tôi ở đây vì âm nhạc. Làm thế nào / khi nào web3 âm nhạc được áp dụng rộng rãi?

  • Những gì chúng ta học được từ GameFi là trải nghiệm game phải được đặt lên hàng đầu, không phải yếu tố kiếm tiền. Music NFT cũng tương tự, yếu tố kiếm tiền giữ vai trò khuyến khích, còn chúng ta ở lại vì âm nhạc.
  • Sở dĩ Spotify, Apple Music thành công do thu thập dữ liệu và cá hoá trải nghiệm người dùng trong việc nghe nhạc, chọn bài hát.
  • Để làm được điều này, Web3 cần đón thêm nhiều nghệ sĩ độc lập tham gia.
  • Các nền tảng Web3 cần cung cấp hỗ trợ tuyệt đối các nhu cầu của nghệ sĩ, không chỉ là thu nhập tốt hơn, còn phải tiện hơn cho nghệ sĩ trong các khâu hậu cần, quảng bá sản phẩm. Hãy mặc định là công việc của họ chỉ cần sáng tác.
  • Các nền tảng nghe nhạc trực tuyến trong Web3 phải được quảng bá rộng rãi, các cơ sở hạ tầng cho người tham gia sử dụng phải thật đơn giản để tối ưu hoá trải nghiệm người dùng.

💡 Nhiều công cụ hỗ trợ nghệ sĩ → Nhiều nghệ sĩ tham gia → Sản phẩm âm nhạc đa dạng → Nhiều người dùng → Nền tảng Web3 tối ưu hoá trải nghiệm người dùng → Phổ cập rộng rãi